Philatô trong văn học Do Thái Phongxiô Philatô

Trong lịch sử biên niên của các thống đốc La Mã ở xứ Judea, các nhà văn Do Thái cổ đại PhiloJosephus đã mô tả một số các sự kiện cùng các biến cố xảy ra trong nhiệm kỳ của Philatô. Cả hai nhà văn này cho biết sự vô cảm của Philatô đối với phong tục của người Do Thái đã khiến họ gần như nổi dậy chống đối. Josephus lưu ý rằng trong khi các người tiền nhiệm của Philatô đã tôn trọng phong tục của người Do Thái bằng cách loại bỏ tất cả các hình ảnh và biểu tượng đế quốc La Mã trên các cờ hiệu của họ khi vào Jerusalem, thì Philatô lại cho phép binh sĩ của mình mang chúng vào thành phố lúc ban đêm. Khi các công dân của Jerusalem phát hiện ra các cờ hiệu mang hình ảnh, biểu tượng của Caesar vào ngày hôm sau, họ đã yêu cầu Philatô loại bỏ các cờ hiệu có hình Caesar khỏi thành phố. Sau năm ngày thảo luận, Philatô đã cho binh lính bao vây những người biểu tình, đe dọa giết họ, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận cái chết hơn là mạo phạm "Luật Môise". Cuối cùng Philatô phải loại bỏ các hình ảnh đó[33][34].

Philo mô tả một sự cố tương tự sau này, trong đó Philatô bị hoàng đế Tiberius khiển trách khi làm mếch lòng người Do Thái bằng cách dựng các huy hiệu hình khiên mạ vàng ở dinh của Herod ở Jerusalem. Các huy hiệu này có vẻ là để tôn vinh Tiberius - và lần này không khắc các hình ảnh. Philo viết rằng các huy hiệu hình khiên được dựng "không có nhiều dụng ý tôn vinh Tiberius, mà để chọc tức đám đông". Ban đầu, người Do Thái phản đối trực tiếp Philatô về việc dựng các huy hiệu hình khiên này, và sau khi ông ta khước từ, thì họ viết các thư khiếu nại tới Tiberius. Philo cho biết: sau khi đọc các thư của người Do Thái, Tiberius "đã viết thư khiển trách Philatô về việc vi phạm tiền lệ và yêu cầu ông ta phải gỡ bỏ ngay các huy hiệu nói trên đưa về thành phố Caesarea"[35].

Philo cũng mô tả tính khí của Philatô là "hẹp hòi, cứng ngắc và hay cáu giận", một sự pha trộn của tính "duy ý chí và nghiêm khắc". Ông viết rằng Philatô sợ người Do Thái sẽ gửi một phái đoàn tới hoàng đế Tiberius để phản đối việc dựng các huy hiệu hình khiên mạ vàng, vì "nếu phái đoàn này tới La Mã thì họ sẽ có thể trình bày những chuyện ăn hối lộ, cướp bóc, lăng mạ, sự tàn bạo và những cuộc xử tử liên tục mà không xét xử cùng sự tàn ác của ông ta"[35].

Josephus thuật lại một cuộc va chạm khác trong đó Philatô dùng tiền người dân dâng cúng vào Đền Thờ Do Thái để xây một cầu máng (aqueduct). Philatô cho binh lính của mình lẩn vào đám đông dân Do Thái khi ông ta nói chuyện với họ, và khi người Do Thái phản đối việc lấy tiền ở Đền Thờ, thì ông ta ra hiệu cho các binh lính đó tấn công, đánh đập và giết những người lên tiếng phản đối, để dập tắt sự phản kháng của người Do Thái [36].

Nhiệm kỳ tổng trấn xứ Judea của Philatô chấm dứt sau một cuộc va chạm với dân Do Thái do Josephus thuật lại: "Một nhóm đông người Samaritan được một người vô danh thuyết phục đi tới núi Gerizim để xem các vật thánh thiêng được cho là do Moses chôn cất ở đây. Nhưng khi họ đi tới ngôi làng tên là Tirathana - trước khi lên núi - thì Philatô gửi một phân đội kỵ binh và các lính bộ binh vũ trang hạng nặng tới giết một số người đi đầu, khiến cho đám đông chạy trốn. Nhiều người bị bắt giữ, trong đó Philatô cho giết các người lãnh đạo của nhóm này"[37]. Sau đó người Samaritan khiếu nại lên Vitellius, thống đốc La Mã ở xứ Syria, và ông này gửi Philatô về La Mã để giải thích vụ việc lên hoàng đế Tiberius. Tuy nhiên, khi Philatô tới La Mã thì Tiberius đã từ trần[38].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phongxiô Philatô http://classicfilm.about.com/od/comedies/fr/Life_o... http://www.amazon.com/dp/1440142653 http://www.biblegateway.com/passage/?search=John%2... http://www.biblegateway.com/passage/?search=Luke%2... http://www.biblegateway.com/passage/?search=luke%2... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/460341/P... http://www.ewtn.com/expert/answers/ecclesiastical_... http://books.google.com/books?id=ElINAAAAYAAJ&pg=P... http://www.greatarchaeology.com/Pontius.php http://www.imdb.com/title/tt4074084/fullcredits?re...